Khi đọc sách, báo, xem điện thoại bạn phải nhíu mắt, phải đưa vật đọc ra xa mới thấy rõ thì rất có khả năng bạn phải dùng kính lão (hay còn gọi là kính viễn)
Lão thị thường xuất hiện ở lứa tuổi 40, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn chút ít tùy cơ địa từng người, tùy điều kiện làm việc, môi trường ánh sáng. Biểu hiện của lão thị là các vật có chi tiết nhỏ trong tầm tay nhìn không rõ, nhòe, phải đưa xa hơn mới thấy rõ. Khoảng cách đưa ra xa càng lớn thì mức độ lão thị càng nặng. Đặc biệt trong môi trường ánh sáng yếu thì khả năng nhìn vật nhỏ của người bị lão thị càng kém. Khi cố nhìn thì phải nheo mắt, đưa vật nhìn ra xa, được một lúc là thấy mỏi mắt, chảy nước mắt, có khi nhức đầu. Nguyên nhân là do quá trình lão hóa mắt diễn ra cùng với quá trình lão hóa cơ thể khiến giác mạc xơ cứng, mất khả năng điều tiết (phồng lên hay dẹt xuống) dẫn đến hình ảnh qua giác mạc không rơi vào võng mạc mà rơi vào phía sau. Cách khắc phục là đeo kính có mắt kính cong lồi (kính hội tụ) tương thích để điểm ảnh rơi vào đúng võng mạc. Ở điều kiện nhìn xa thì người mới bị lão thị không cần kính, nhưng theo thời gian họ cũng cần kính để nhìn xa được rõ. Kính nhìn xa của người lão thị cũng là thấu kính lồi nhưng có mức độ nhẹ hơn kính nhìn gần, đọc sách báo.
Viễn thị là tình trạng mắt không nhìn rõ các vật ở gần nhưng nhìn xa lại rõ. Viễn thị là một loại tật về khúc xạ mà nguyên nhân là do giác mạc dẹt quá (không đủ độ cong lồi) hoặc trục trước-sau của nhãn cầu ngắn quá khiến cho hình ảnh không hội tụ ở võng mạc mà lại lùi xa về phía sau do đó hình ảnh không được nhận biết rõ nét. Nhưng để nhìn xa thì người bị viễn thị nhìn rất rõ. Để khắc phục, người bệnh phải đeo một kính hội tụ (thấu kính lồi) thích hợp để chỉnh cho hình ảnh hội tụ về đúng võng mạc. Người mắc bệnh viễn thị có thể ở lứa tuổi trẻ hoặc có thể do di truyền.
Giống: đều phải đeo thấu kính lồi (hội tụ) tương ứng với mức độ người bệnh để có thể nhìn rõ hơn các vật thể ở gần.
Khác: Viễn thị là tật khúc xạ, do khiếm khuyết của cơ thể hoặc do di truyền trong khi lão thì là do mắt bị lão hóa, mất khả năng điều tiết. Vì vậy khác biệt lớn nhất là của viễn thị và lão thị là độ tuổi đeo kính: người viễn thị thường phải đeo kính từ khi nhỏ, người lão thị thường phải đeo kính khi tuổi khoảng 40. Một khác biệt nữa là người viễn thị có khi phải đeo kính hội tụ mức độ cao tới mười mấy Đi ốp trong khi người đeo kính viễn thường chỉ đeo đến số 4.
Người bị viễn thị và lão thị đều phải đeo thấu kính lồi (hội tụ) tương ứng với mức độ người bệnh để hình ảnh đi qua giác mạc sẽ rơi đúng vào võng mạc. Khi hình ảnh rơi đúng vào võng mạc thì người ta mới nhìn hình ảnh rõ nét, không bị mờ, nhòe.
Người trẻ khi đọc có thể để sách gần mắt 20-25cm. Khi đọc mà phải phải đẩy sách ra xa hơn 30cm mới thấy rõ là lúc cần sự hỗ trợ của kính lão. Tùy theo tính chất công việc, độ tuổi phải đeo kính lão có thể khác nhau. Ví dụ người làm văn phòng, đọc nhiều, sử dụng máy tính, điện thoại nhiều thường phải dùng kính lão sớm từ trước 40 tuổi. Người làm việc trong môi trường tối quá hay sáng quá cũng thường phải dùng kính lão sớm vì mắt phải điều tiết nhiều dẫn tới lão hóa nhanh. Mới đầu thì có thể chỉ cần đưa sách ra xa hoặc ngửa đầu ra sau để tăng khoảng cách là có thể đọc rõ, nhưng sau đó độ lão hóa tăng thì phải dùng kính.
Môi trường sống ô nhiễm: khói bụi, thức ăn cũng bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể nói chung;
Lối sống không lành mạnh: ngủ không đủ thời gian, rượu chè, hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý;
Tác hại của ánh sáng xanh: Là loại ánh sáng chủ yếu từ các thiết bị điện tử như: màn hình quảng cáo, TV, màn hình máy tính, máy tính bảng, điện thoại. Tiếp xúc với anh sáng xanh quá nhiều sẽ thúc đẩy quá trình lão hóa mắt.
Kính lão là phương pháp khác phục lão thị đơn giản nhất, chi phí thấp và không sợ gây biến chứng. Một số người có quan niệm là đeo kính sẽ lệ thuộc vào kính, phải “rèn luyện” mắt bằng cách không đeo kính. Nhưng việc này sẽ dẫn đến việc mắt phải căng ra làm việc, điều tiết nhiều, gây mệt mỏi cho thị lực khiến mắt lão hóa nhanh hơn, mức độ nặng hơn. Việc đeo kính lão nên thực hiện bất cứ khi nào mắt cần sự trợ giúp. Nên dùng đúng loại kính lão cho mục đích làm việc. Thường người bị lão thị nhẹ chỉ cần loại kính đọc sách, nhìn các vật thể nhỏ trong cự ly gần. Khi mức độ lão thị tăng thì có thể phải dùng thêm kính có số độ nhẹ hơn kính đọc sách để làm công việc hàng ngày, để đi đường tức là gần như phải đeo kính cả ngày.
Lão thị cũng như quá trình lão hóa của cơ thể là một quá trình hoàn toàn tự nhiên và không thể đảo ngược. Để làm chậm quá trình lão hóa phải có một chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, từ khi còn trẻ. Khi các bộ phận của cơ thể không còn đủ khả năng để vận hành tốt như khi còn trẻ thì phải dùng đến thuốc men hoặc các phương pháp hỗ trợ, nếu không sẽ khiến các bộ phận đó càng mau hỏng do phải làm việc quá sức. Vì vậy kính lão còn được gọi là kính thuốc.
Kính lão có 2 loại cơ bản là đơn tròng và đa tròng.
Là loại mắt kính chỉ có 1 số để phục vụ 1 cự ly nào đó như kính chỉ để đọc sách hoặc chỉ để đi đường.
Ưu điểm của loại kính này là dễ sử dụng vào 1 mục đích cụ thể nào đó nhưng khi cần nhìn ở cự ky khác thì phải thay kính. Ví dụ kính đeo để đọc sách hoặc nhìn các vật thể nhỏ ở cự ly gần thì không thể dùng để làm các việc khác ở cự ly xa. Dùng kính này để đi đường hay làm các việc hàng ngày sẽ không phù hợp. Người dùng sẽ cảm thấy lấp loáng, lóa, khoảng cách không chuẩn, có khi nhức mắt, nhức đầu. Ngược lại kính lão để xem tivi, để đi đường (thường là số nhẹ) mà dùng để đọc sách báo thì lại không rõ.
Là loại mắt kính có 2, 3 vùng với số với độ kính khác nhau phục vụ cho các mục đích khác nhau. Mắt kính đa tròng thường được bố trí như sau: Phần dưới của mắt kính là số nặng, phù hợp để đọc sách vì khi đọc mắt hướng xuống dưới. Phần trên của mắt kính có thể là không số hoặc số nhẹ hơn số đọc sách (tùy theo mức độ lão hóa mắt), dùng để đi đường. Nếu là kính 3 tròng thì giữa 2 vùng số mắt kính nói trên còn có 1 vùng nữa có số độ phù hợp để người đeo có thể dùng vào các công việc có cự ly xa hơn đọc sách như ăn cơm, sửa chữa vật dụng.
Kính đơn tròng thì dễ sử dụng, đeo thoải mái nhưng phải thay đổi kính khi dùng mắt vào các cự ly khác nhau. Nhất là người lão thị nặng đọc sách tới 3 Đi ốp thì khi đi lại hoặc làm các công việc thường ngày phải thay kính nhự hơn (khoảng 1 Đi ốp).
Kính đa tròng có vẻ tiện lợi hơn nhưng thực tế ít người sử dụng vì gây khó chịu. Việc chuyển đổi mắt từ vùng kính này tới vùng kính khác quá nhanh có thể gây nguy hiểm. Ví dụ đang đi đường, khi cần nhìn xuống đường ta thường đảo mắt nhìn xuống chứ không cúi xuống. Như thế mắt sẽ nhìn qua vùng kính cự ly gần (dùng để đọc sách) người đeo kính sẽ có đánh giá sai về khoảng cách khiến bước hụt, đặc biệt khi lên xuống bậc, chỗ mấp mô.
Hãy liên lạc với chúng tôi theo thông tin dưới đây. Bạn cũng có thể đến cửa hàng để xem, được tư vấn trực tiếp và mua hàng.